ANTĐ - Bấy lâu nay, tai nạn liên quan đến tàu cao tốc chở khách vẫn
thường xảy ra, nghiêm trọng hơn cả là vụ chìm tàu cao tốc tại Cần Giờ
(TP.HCM). Theo Dự thảo Nghị định quy định về niên hạn sử dụng tàu cao
tốc chở khách ở Việt Nam mà Bộ GTVT đang soạn thảo, tàu cao tốc chở
khách sẽ không được quá 25 năm.
Tàu cao tốc chở khách chỉ được sử dụng không quá 25 năm?
Tàu cao tốc lắp giám sát hành trình ô tô
Đến nay, người dân cả nước vẫn chưa quên vụ chìm tàu cao tốc tại Cần Giờ
- TP.HCM làm 9 người chết vào đầu tháng 8-2013 vừa qua. Ông Nguyễn
Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, hiện tại, vụ việc đã được chuyển
sang cơ quan điều tra. Ngay sau vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La
Thăng đã giao các Cục, Vụ liên quan của Bộ thanh kiểm tra hoạt động của
tàu cánh ngầm trên địa bàn một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Bà
Rịa- Vũng Tàu… Ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ ATGT báo cáo: “Qua
kiểm tra hoạt động tàu cao tốc tại TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn
kiểm tra phát hiện trên tuyến có 7 điểm đen,
thiết bị giám sát hành trình
không đảm bảo vì lắp
thiết bị định vị ô tô, không có bản đồ số của tuyến
đường sông. Khi kiểm tra, phương tiện ở dưới sông nhưng thiết bị hiển
thị ở trên cạn…”.
Thống kê của Cục Hàng hải về sự cố, tai nạn các tàu cao tốc chở khách
tại 13 tỉnh, thành cho thấy, trong 5 năm qua (từ 2007 đến tháng 6-2012)
đã ghi nhận tổng số 25 vụ tai nạn trên đường thủy nội địa, làm chết 12
người, bị thương 33 người, chìm 1 phương tiện. Còn theo ông Nguyễn Văn
Thuấn, tàu cao tốc cánh ngầm chạy chủ yếu từ TP.HCM - Vũng Tàu và Hải
Phòng - Cát Bà. Riêng tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu vận chuyển
hàng triệu khách/năm. Trong tháng 8-2013, thống kê cả nước xảy ra khoảng
20 sự cố với tàu cánh ngầm, chủ yếu tập trung vào các tàu cánh ngầm một
động cơ.
Nhiều tàu quá “già”
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tổng số tàu cao tốc chở khách hoạt động
trên đường thủy nội địa cả nước hiện có 335 chiếc. Trong đó, 282 chiếc
đang hoạt động, 53 chiếc hết hạn hoạt động hoặc đang chờ sửa chữa. Tuổi
bình quân của toàn bộ đội tàu là 7 tuổi, chiếm phần lớn (đến 44%) là tàu
từ 1-5 tuổi. Tuy nhiên, hiện có 11 chiếc trên 20 tuổi, 1 chiếc từ
25-30 tuổi và 1 chiếc từ 30-35 tuổi. Ngoài ra, tàu cao tốc chở khách
hoạt động trên biển hiện có 26 chiếc với độ tuổi bình quân là 9,27 tuổi,
trong đó 1 chiếc có độ tuổi từ 20-25 năm.
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định
quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt
Nam. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, niên hạn sử dụng
của phương tiện thủy cao tốc chở khách không quá 25 năm. Bộ GTVT đánh
giá, nếu áp dụng theo phương án này thì không ảnh hưởng đến vận tải, chủ
tàu có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên hầu như không tác động
xấu đến vận tải hành khách, không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư.
Phương án 2 đưa ra cụ thể: tàu cánh ngầm: không quá 21 năm; tàu đệm khí:
không quá 18 năm; các phương tiện thủy cao tốc chở khách khác: không
quá 25 năm. “Nếu áp dụng theo phương án 2 thì số lượng phương tiện bị
loại khi hết năm 2013 là rất lớn (đặc biệt đội tàu cánh ngầm). Chủ tàu
không có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến
nhu cầu vận tải hành khách (đặc biệt tuyến TP.HCM – Vũng Tàu) và ảnh
hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của chủ tàu”, Bộ GTVT nhận định.
Tuy nhiên, nếu áp dụng thì sẽ thúc đẩy chủ tàu đầu tư tàu mới, nhưng về
mặt tài chính lâu dài sẽ không ảnh hưởng nhiều do tàu mới thì chi phí
cho hoạt động sửa chữa ít.
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc Trung tâm
Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam: “Hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển
là rất khó khăn bởi vùng hoạt động rộng lớn, mênh mông, đặc biệt là tại
các vùng cách xa bờ. Hiện tại, Trung tâm có đội tàu gồm 7 con tàu để duy
trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn là quá ít. Đội tàu năng lực hạn chế, chỉ
chịu được sóng gió đến cấp 8, cũng như chỉ có thể hoạt động xa bờ trong
thời gian ngắn”.